Ảnh hưởng đến nhạc lễ Cao Đài và phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ Cao_Hoài_Sang

Thượng Sanh Cao Hoài Sang vốn dĩ sinh ra trong gia đình có truyền thống hoạt động âm nhạc dân tộc, có tiếng ở tỉnh Tây Ninh.

Ngay thời tuổi trẻ, Cao Hoài Sang đã được gần gũi, học hỏi nhiều về ca nhạc tài tử, cũng như nhạc lễ Nam Bộ. Những năm 1930, 1940, khi ở cạnh chợ Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, ông thường xuyên tham gia phong trào đờn ca tài tử.

Ngay từ những năm đầu, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ra đời, vào những năm 1950, Thượng Sanh Cao Hoài Sang thường xuyên đến trao đổi, giao lưu với các giáo sư của trường về đờn ca tài tử, nhạc lễ. Lúc đó, nơi ở của ông cũng là nơi tổ chức các buổi giao lưu, biểu diễn của nhiều nhóm nhạc tài tử.

Trong thời gian này, Thượng Sanh Cao Hoài Sang đã sáng tác nhiều bài ca theo các điệu nhạc tài tử, được lưu hành rộng rãi trong công chúng từ đó đến nay. Trong đó có nhiều bài ca được cảm tác từ Truyện Kiều, như: Bỉ Vận Kiều Nương, Kiều Du Thanh Minh v.v... và nhiều đề tài khác như: Nguyệt Nga Họa Tượng Vân Tiên, Xuân Nhật Hoài Cố Nhân, Hạn Võ Biệt Ngu Cơ..v.v.[3]

Năm 1957, khi trở về cầm quyền điều hành nền đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh, ông đã chấn chỉnh lại Bộ Nhạc trung ương Tòa Thánh Tây Ninh theo Thánh ý của Đức Chí Tôn và lời ủy thác của Hộ pháp Phạm Công Tắc trước khi quy Thiên. Ông cho xây dựng Học đường Bộ Nhạc, mở các khóa huấn luyện nhạc sĩ, đào tạo các chức sắc Bộ Nhạc trung ương Tòa Thánh Tây Ninh. Thống nhất các bài bản cổ nhạc dùng trong nghi lễ của đạo Cao Đài từ trung ương Tòa Thánh Tây Ninh đến các Thánh thất Cao Đài và Điện thờ Phật Mẫu ở địa phương.

Nói về tài năng và công lao trong việc gìn giữ và phát huy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam của ông, trong bài viết của mình Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Thinh đã nói về Thượng Sanh Cao Hoài Sang, có đoạn như sau; "…giới tài tử tri ân đối với nghệ nhân Cao Hoài Sang, Người đã có công rất lớn đối với ngành mỹ thuật cổ truyền nước nhà. Người đã khuyến khích và chẳng nệ công khó nhọc, sáng tác để phổ biến, truyền bá trong đại chúng hâm mộ cổ nhạc, những ca phẩm đặc sắc về phương diện văn chương, nên đã cứu vãn và quân bình được một tình thế suy kém, gần sụp đổ của nền nhạc cổ truyền, trước sự lấn áp ồ ạt, lôi cuốn của một số loại nhạc ngoại lai."[4]

Thật sự, những bài ca tài tử của ông có giá trị cao về mặt văn chương, góp phần làm phong phú, đa dạng về nội dung, chủ đề, được nhiều người ưa chuộng, thời bấy giờ. Những đóng góp của ông cho phong trào đờn ca tài tử và nền âm nhạc Việt Nam qua những ca phẩm, từ những năm 1930, đáng được người đời sau nhắc nhớ.